Đanh đá và sắc sảo trong giới thời trang, chuyên gia trang điểm Nam
Trung nhận được cả sự yêu ghét lẫn đố kỵ từ nhiều người cùng nghề, đặc
biệt từ khi anh ngồi ghế nóng Vietnam’s Next Top Model.
Nghi án gạ tình và “chặt chém” thí sinh của giám khảo
này có phải là một phần không thể thiếu đối với các chương trình truyền
hình, có scandal mới nổi?
Ngồi ghế nóng đã ba mùa Vietnam’s Next Top Model nhưng năm nay Nam
Trung mới liên tiếp dính scandal từ phát ngôn gây sốc với thí sinh Đàm
Quang Phúc: “Làm make-up nhục lắm hay sao mà đi làm người mẫu?” đến nghi
án gạ tình các nam thí sinh. Trên Facebook được cho là của người mẫu
Phạm Tùng, thí sinh tham gia vòng sơ tuyển cuộc thi này, xuất hiện những
dòng chia sẻ: “Làm make-up nhục lắm hay sao mà làm người mẫu... Thế mà
hôm nay còn gọi điện thoại gạ tình thằng em mình, hứa giúp này giúp
nọ...”.
Từ câu nói này đã nổ ra cuộc chiến bàn phím giữa hai phe, một bên
bênh vực các thí sinh, một bên ra sức bảo vệ giám khảo Nam Trung.
Đánh rớt thí sinh rồi gạ tình?
Tìm hiểu về thông tin Phạm Tùng chia sẻ, người mẫu này cho biết, đầu
tháng 8, anh cùng hai người bạn thân tham gia vòng sơ tuyển cuộc thi
Vietnam’s Next Top Model 2013 nhưng nhanh chóng bị loại. Phạm Tùng cho
biết, anh cảm thấy buồn vì ban giám khảo không đưa ra bất kỳ lời nhận
xét nào, dù cả ba đều tự tin sở hữu chiều cao lý tưởng, ngoại hình chuẩn
và khả năng catwalk của mình.
Thí sinh này cũng tiết lộ, sau khi bị loại vào buổi sáng thì ngay tối
đó bạn anh, thí sinh Trần Tiến Mạnh đã nhận được cuộc điện thoại từ một
giám khảo Vietnam’s Next Top Model, với lời mời trở lại cuộc thi vào
hôm sau, kèm theo những gợi ý giúp đỡ đầy ẩn ý mà theo thí sinh trẻ này
là những lời... “gạ tình”.
Trên trang cá nhân được cho là của Trần Tiến Mạnh, ngày 12.8, xuất
hiện dòng chia sẻ: “Cuộc sống nó bất công lắm, không có quan hệ thì bị
dìm ngay... ức mà không nói nên lời”. Hôm sau, thí sinh này lại tiếp tục
viết: “Hôm nay Vietnam’s Next Top Model đến vòng 2. Mình bỏ thi, đơn
giản vì mình không muốn làm những việc mình không thích... hết niềm tin
với cuộc thi rồi”. Nhưng ngay khi phóng viên ngỏ ý tìm hiểu về tâm sự
này, Trần Tiến Mạnh đã nhanh chóng gỡ bỏ và Phạm Tùng cũng xóa các “cáo
buộc” của mình với giám khảo Nam Trung trên mạng.
Trên thực tế, ngày 13.8, có tới 4 nam thí sinh từng được cho là bị
đánh rớt từ buổi thi hôm trước đã tiếp tục trở lại ở vòng thi tiếp theo,
trong đó có thí sinh Nguyên Anh.
Luật im lặng trong giới showbiz...
Nhiều người cho rằng, các thí sinh bị loại khỏi cuộc thi, vì bất bình
nên đã có những chia sẻ không chính xác hoặc hiểu lầm về thái độ quan
tâm của giám khảo thành chuyện “gạ gẫm” nhạy cảm. Tuy nhiên, nhà thiết
kế Việt Hùng, người từng quản lý cho Hoa hậu Mai Phương Thúy, cùng nhiều
người nổi tiếng khác như siêu mẫu Hồ Đức Vĩnh, Hoàng Long... cho biết,
gạ tình trong giới này là “chuyện thường ngày ở huyện”. Chỉ có điều lâu
nay người trong cuộc không nói ra, người ngoài cuộc không đụng vào được.
Trong giới người mẫu nam, không rõ có thứ luật bất thành văn nào
không, nhưng người mẫu trẻ mới vào nghề, dù nhận được không ít những lời
ngỏ giúp đỡ mang tính trao đổi đều giữ im lặng. Thỉnh thoảng, một số
nam người mẫu cũng lên tiếng về việc mình bị gạ gẫm, đánh đổi nhưng chưa
bao giờ tên tuổi của ai đó được đưa ra ánh sáng.
Một nam người mẫu, từng đoạt giải cao tại một cuộc thi Siêu mẫu cho
biết: “Không hẳn chúng tôi sợ và buộc phải giữ im lặng khi nghe những
lời gạ tình của đàn anh trong giới, nhưng vì là nam giới, chúng tôi rất
ngại chia sẻ những chuyện như vậy. Nó khiến cho công chúng nhìn nhận
giới người mẫu rẻ rúng hơn”.
Ở nghi án “gạ tình” của giám khảo Nam Trung với nam thí sinh Trần
Tiến Mạnh, Phạm Tùng, sự im lặng không hẳn bởi sợ bị “dìm hàng” mà một
phần là do những quy định bảo mật thông tin mà thí sinh đã ký kết với
nhà sản xuất khi tham gia chương trình.
Ai được lợi qua scandal?
Sáng 13.8, trong buổi casting thí sinh với trang phục bơi cho
Vietnam’s Next Top Model, giám khảo Nam Trung có dịp đối mặt với người
em cùng nghề trang điểm là Đàm Quang Phúc. Có gương mặt sáng, cơ bắp cân
đối nhưng chiều cao khiêm tốn (1m78) nên chỉ duy nhất chuyên gia Adam
“chấm” Phúc, ba giám khảo còn lại đều lắc đầu. Không chỉ thế, thí sinh
này còn bị Nam Trung “chặt chém”: “Làm make-up nhục lắm hay sao mà đi
làm người mẫu?”. Dù bị “đứng hình” trong giây lát nhưng nam thí sinh đã
đáp trả: “Em nghĩ mỗi người ai cũng có nhiều đam mê” và tiếp tục bị Nam
Trung dội gáo nước lạnh: ”Mỗi người chỉ cần một đam mê là đủ”. Đến đây
thì Phúc chỉ biết im lặng. Sau khi bị loại khỏi cuộc thi, anh tâm sự
trên trang cá nhân: “Cảm thấy bị ám ảnh trước câu nói này”.
Chia sẻ của anh nhanh chóng trở thành đề tài nóng cho mọi người và
các trang mạng bàn tán suốt nhiều ngày liền. Cuối cùng, anh lên tiếng:
“Đầu tiên, Phúc rất xin lỗi mọi người chỉ vì status (chia sẻ) bày tỏ cảm
xúc của Phúc mà mọi việc lại xảy ra thế này... Mọi người ơi, cho Phúc
khép lại mọi chuyện nhé. Phúc sẽ quay về với công việc make-up cũng như
làm mẫu ảnh trước đây và theo đuổi đam mê của mình...”.
Scandal giám khảo chặt chém thí sinh như trường hợp của Đàm Quang
Phúc chẳng còn mới lạ gì. Nhạc sĩ Trần Tiến, đạo diễn Lê Hoàng... cũng
từng bị dư luận chỉ trích mạnh mẽ. Lê Hoàng đã khiến báo chí tốn không
ít giấy mực bởi những phát ngôn gây sốc như: “Tôi nghĩ, em và con bò sẽ
có một tình bạn rất sâu sắc đấy”; “Bài hát của bạn lổn nhổn như đá”...
Tuy nhiên, qua scandal ấy chẳng thể khẳng định ai là “bị hại”, ai là
“bị cáo”, nhưng một điều có thể thấy rõ là cả hai đều được hưởng lợi khi
mức độ phủ sóng tên tuổi trên truyền thông rộng hơn. Dư luận càng ném
đá mạnh thì càng vô tình PR cho cả thí sinh, giám khảo và cuộc thi.
“Tôi thích nói thẳng, nói thật, nói đúng”
Anh có biết người mẫu Phạm Tùng, Trần Tiến Mạnh tố anh gạ tình trên mạng?
(Cười lớn) Tôi không muốn bình luận gì về những chuyện ngoài lề như
vậy. Hiện giờ có nhiều cách để nổi tiếng và gieo nhân nào ắt sẽ gặt quả
đấy thôi. Tôi thấy thực tế chương trình tôi đang làm rất “hot” và nhiều
người đang mượn nó để đạt được cái gì đó.
Về scandal, tôi cảm thấy rất bình thường, dù cái nhận lại được quá
khủng khiếp. Người ta ném trứng thối vào tiệm của tôi. Trên Facebook thì
bị nhắn tin chửi mắng, dọa đánh. Khi tôi đi ngoài đường, họ chạy đến
tận nơi và chửi vào mặt rất tục tĩu. Nhưng tôi nghĩ mình đang làm đúng
trách nhiệm của mình, không có gì sai trái, quá lố hay quá đáng cả nên
cứ bình thường mà sống thôi.
Tôi không đóng vai ác mà chỉ chia sẻ thẳng thắn với thí sinh, đôi khi
tỏ ra khắc nghiệt để các bạn nhìn rõ hơn. Đó không phải là những bộ
quần áo đẹp, những bước đi đầy ánh sáng, không phải bỗng nhiên một nấc
mà được như Thanh Hằng, Xuân Lan. Thế giới thời trang khắc nghiệt lắm!
Có khi mình tới, người ta còn hủy buổi chụp chỉ vì họ không thích mình.
Làm trong giới này quá lâu, những chuyện đánh đổi, gạ gẫm, hẳn không phải bây giờ anh mới nghe tới?
Có thể mọi người tin, không tin hoặc sẽ nói tôi giả tạo nhưng khi làm
việc xong thì tôi về, không có thói quen ngồi nghe những chuyện linh
tinh. Đạo đức nghề nghiệp của một người trang điểm là “đừng nghe, đừng
nói gì cả”. Hãy làm đúng việc của mình thôi vì nghề này rất nhạy cảm,
tiếp xúc nhiều người và nghe nhiều chuyện dù không muốn nghe. Khi làm
việc, với vai trò là người trang điểm, tôi rất kiệm lời.
Thế nhưng gần đây, công chúng thấy anh lên truyền hình và phát
biểu, nhận xét cả những lĩnh vực khác như âm nhạc. Anh muốn xuất hiện
như một người nổi tiếng?
Người chuyên nghiệp nên làm đúng với trách nhiệm của mình. Khi công
việc của tôi là được mời tới để nói thì tôi sẽ nói những gì mình biết và
mình hiểu. Nếu họ chỉ mời tôi tới để xem thì tôi sẽ xem. Nếu nói thích
nổi tiếng thì có lẽ tôi không thích đâu. Việc bỗng dưng nổi tiếng, phải
nói thật, nó rất kinh khủng. Tôi đã ở rất lâu trong làng thời trang,
nhưng hiếm khi nào tôi xuất hiện ở đầu cầu sàn catwalk hoặc khi họ mời
lên để cảm ơn mà tôi lên cả.
Lý do tôi không muốn trở thành người nổi tiếng là nó khiến tôi mất đi
cái mà mình thích nhất. Cụ thể, tôi thích mặc quần shorts, áo thun, đi
dép kẹp, đội mũ hoặc để mặt trần đi ra đường. Tôi có thể mua cà phê
ngoài đường hay hỏi xin thêm cái này, cái kia thì tự lấy. Nó không như
tôi bây giờ, phải đội chiếc mũ rất kinh khủng, ăn nói nhẹ nhàng, mặc như
đi tiệc khi ra đường. Đó không phải là điều tôi muốn.
Ví dụ, khi tôi về khu nhà mình ở, đứng trong thang máy, tôi muốn mình
phải thật thoải mái, được thả lỏng, dựa cả người vào tay vịn. Thế nhưng
bây giờ tôi luôn phải đứng thật thẳng, nhiều khi còn phải ngửa mặt lên
cao để cho người khác khỏi đánh giá.
Tôi không thích hào quang để mất đi cuộc sống tự do của mình. Tôi
thích nói thẳng, nói thật, nói đúng, nói chính xác, thích muốn làm gì là
việc của mình.
Nam Trung và "bộ tứ quyền lực" tại VietNam's Next Top Model 2013
Anh nghĩ mình được và mất gì vì những scandal?
Khi nhận lời làm chương trình này, tôi không nghĩ rằng mình sẽ được
chú ý đến vậy. Tôi cũng không biết cá tính của mình lại được mọi người
nghĩ nó mạnh. Tôi thấy nhiều người có cá tính mạnh hơn, phát ngôn thẳng
thắn hơn, thậm chí chua chát hơn tôi rất nhiều. Tôi nghĩ, có thể do
giọng nói của tôi. Khi nói chuyện, tôi hay sử dụng ngữ điệu và cũng
không biết giọng mình không bắt micro. Nhiều khi tự nghe giọng, tôi còn
giật mình cơ mà.
Nhưng mà thôi, biết làm sao được, một là chấp nhận, làm cho nó tròn
trịa, xinh đẹp để rồi thành một người ba phải. Hai là cứ sống với chính
bản thân mình, khó tính một tí. Ngày xưa, tôi không thích bố tôi đâu, vì
ông hay nói thẳng lắm. Nhưng đến giờ, tôi thấy tất cả sự thẳng thắn,
thậm chí đến mức cay nghiệt đấy lại có ích. Nó giúp tôi không bị ảo
tưởng, hào quang che mờ mắt, luôn biết mình đang làm gì, cần phải làm gì
và tất nhiên là làm như thế nào.
Nhưng ai cũng muốn được người khác yêu quý, nhất là một người nghệ sĩ?
Anh có thể không thích, có thể ghét, bài xích, chửi bới tôi nhưng đó
không phải là lý do để tôi thay đổi cho anh yêu quý tôi. Tôi nghĩ mình
như thế nào thì cứ sống thẳng thắn như vậy. Tôi sống bằng cảm xúc, cảm
giác nhiều hơn bằng cái đầu. Ai muốn nói gì thì nói nhưng tôi cảm thấy
lý trí làm cho cuộc sống trở nên máy móc. Tôi chỉ sống bằng đầu khi đọc
báo cáo tài chính và nộp thuế thôi. Làm sao mình có thể sống trọn vẹn để
cho cả triệu người hài lòng được. Họ có quyền ghét hoặc thích mình, thì
tại sao lại phải đánh đổi bản thân để được cái gì đó phù phiếm và quá
xa xỉ.
Có người nói, tại sao Nam Trung không suy nghĩ trước khi phát ngôn,
tại sao không thân thiện. Nhưng sự thân thiện mỗi người suy nghĩ khác
nhau. Đối với tôi, thân thiện là sự thành thật. Tôi không thể thân thiện
khi trong đầu tôi nghĩ cô kia xấu nhưng lời thốt ra là: “Ôi, chị đẹp
quá” được? Nếu sống như vậy thì mệt quá!