"Buồn vào hồn không tên"... Những câu hát vẫn vảng vất trong lòng dân Việt qua nhiều thế hệ.
Sống “ngầm”
Người ta chẳng ngạc nhiên khi giữa lòng Sài Gòn phồn hoa bên cạnh sức
tấn công như vũ bão của J-Kpop hay US-UK với những hip-hop, R&B tạo
nên xu hướng hay dance thời thượng, một bộ phận không nhỏ khán thính
giả trong đó có cả những người trẻ, vẫn ngày ngày cắm tai nghe ra rả
“buồn vào hồn không tên” hay
“em ơi suốt đêm thao thức vì em”.
Nguồn gốc nhạc “sến” bấy lâu vẫn là những thông tin chưa thống nhất và
rõ ràng nhưng điều dễ nhận thấy vẫn là sự dè bỉu, bài xích thậm chí là
phủ nhận của cánh anti nhạc “sến”, trong đó không ít là những nghệ sỹ
tên tuổi trong làng nghệ.
Dễ thấy, chủ quan nhạc “sến” dường như chia làm 2 phạm trù khác biệt:
viết về nỗi buồn và sự chia ly gắn với những biến động của lịch sử,
phần còn lại chịu ảnh hưởng của dân ca và biến thể tạo nên dòng chủ lưu
là ca ngợi tình yêu đôi lứa và quê hương đất nước. Nếu khoảng thời gian
trước, nhạc “sến” chủ yếu được yêu thích và phổ biến ở vùng nông thôn
thì nay, nó dường như đang trở thành trào lưu và được đón nhận ngay cả
những thành phố lớn. Đối tượng thưởng thức vì thế cũng được mở rộng và
không bó buộc ở độ tuổi hay địa vị xã hội.
Thực tế cho thấy, nhạc “sến” chưa bao giờ “chết” đi, nó chỉ là những
khoảng lặng, đầy thăng trầm và sẵn sàng bùng phát. Những giai điệu và ca
từ quen thuộc dường như luôn hiện hữu trong đời sống người Việt, khi
vui, lúc buồn, tiệc tùng hay chỉ đơn thuần là… muốn hát, người ta cũng
ngân nga nhạc “sến”.
Vậy tại sao thứ âm nhạc được cho là “não nề” và có phần không hợp xu
hướng ấy lại trở nên được yêu mến và có thể nói là “bất diệt” trong lòng
công chúng?
Thứ nhất, có thể thấy, nhạc trữ tình hay nhạc “sến”
là âm nhạc gắn liền với từng thời kỳ của lịch sử, văn hóa, nhất là văn
hóa dân gian vốn đã được thời gian thử thách. Tuy đa phần không gian và
giai điệu hơi buồn bã nhưng với ca từ bình dị, dễ thuộc, dễ hiểu, dòng
nhạc này mau chóng chiếm được cảm tình của số đông. Hơn nữa, nhiều ý
kiến cho rằng hoàn cảnh ra đời bài hát phát xuất hoặc được lấy cảm hứng
từ chính câu chuyện của tác giả, đó chính là yếu tố hấp dẫn. Mặt khác,
chất liệu và âm nhạc đi kèm thường là nhạc cụ dân tộc như đàn tranh, đàn
bầu, sáo trúc… vì thế, khán giả có cảm giác nhạc trữ tình gần gũi, dễ
cảm thông và chia sẻ hơn.
Hương Lan từ lâu đã nổi danh và được yêu mến bởi dòng nhạc trữ tình
Thứ hai, việc phủ sóng và được yêu mến rộng rãi của
nhạc trữ tình một phần cũng nhờ văn hóa truyền miệng. Rất đông khán giả
của nhạc trữ tình đều thừa nhận, họ biết và thuộc các bài hát chủ yếu từ
bố mẹ hoặc ông bà trong gia đình, những người đi trước và có nhiều
“nặng nợ” với thứ âm nhạc da diết này. Cạnh đó, việc nhạc trữ tình phổ
biến một cách rộng rãi cũng khiến một bộ phận trung lập vô hình trung
trở thành đối tượng khán giả. Họ nghe nhan nhản bất cứ đâu, lâu rồi cũng
thành quen. Một cách thân thuộc, khán giả của nhạc sến đôi khi “thuộc
bài” từ khi còn nhỏ, đến khi trưởng thành, họ mới phần nào chiêm nghiệm
và thấu hiểu nội dung rồi lại yêu thích lúc nào không hay.
Thứ ba, sự bão hòa của âm nhạc hiện tại khiến rất
nhiều nghệ sỹ tên tuổi, dù còn khá trẻ, nhưng lại thành danh và tạo
tiếng vang được với nhạc trữ tình. Nhiều người nhầm lẫn các album nhạc
xưa ra mắt trong thời điểm hiện tại là “làm mới” nhạc trữ tình. Thế
nhưng, đó đơn giản chỉ là sự yêu thích và đặt cái “tôi” của chính nghệ
sỹ đó vào những tác phẩm vốn đã quá quen thuộc. Nhạc xưa phủ sóng mạnh
mẽ ở thời điểm hiện tại là sản phẩm của một sự cộng hưởng: những tình
cảm lẫn kỷ niệm xưa cũ được tái hiện trong một không gian, tinh thần,
giọng hát và cái “tôi” hiện đại.
Cuối cùng, nhạc trữ tình được yêu mến một phần cũng
là do nó rất dễ thể hiện. Một chút nức nở, một chút tâm trạng… ai cũng
đều có thể thể hiện nhạc sến theo cách của riêng mình. Như vậy, sức sống
tiềm tàng của nhạc trữ tình hay nhạc sến đều do khán giả nuôi dưỡng. Dè
bỉu và phủ nhận dòng nhạc này cũng đồng nghĩa với việc phủ nhận tinh
thần và sự yêu mến của rất đông khán giả. Song song với những dòng chủ
lưu, mang tính xu hướng và chịu ảnh hưởng của nền giải trí toàn cầu
khác, nhạc trữ tình vốn dĩ không thể so sánh và xứng đáng có vị trí
riêng trong đời sống âm nhạc.
Đàm Vĩnh Hưng cũng khiến khán giả đắm đuối với nhạc "sến"
Mãi là tranh đấu?
Sự việc quan điểm của hai nhạc sỹ tên tuổi là Quốc Trung và Huy Tuấn
mấy ngày qua bị dư luận phản ứng dữ dội đã chứng minh được tình cảm dành
cho thứ âm nhạc được đánh giá là bình dân nhưng có sức sống này.
Nhạc sỹ của
Đường xa vạn dặm lâu nay vẫn nổi tiếng là người
có quan điểm và cấp tiến trong hoạt động sáng tạo nghệ thuật. Ý kiến của
Quốc Trung nhìn chung mang tính xây dựng nhưng hơi nặng nề trong quan
điểm. Chính sự thẳng thắn này dễ khiến HLV cá tính của
The Voice gặp nhiều rắc rối khi dân mạng lên tiếng bảo anh đang “ghen tỵ” với chính dòng nhạc có lượng khán giả khổng lồ này.
Sự “tranh đấu” của nhạc “sến” và nhạc “sang” bấy lâu vẫn chưa có hồi
kết trong showbiz Việt bởi sự chê bai và dè bỉu lẫn nhau. Kẻ bảo người
khó nghe, người chê kẻ dễ dãi. Câu chuyện của “sang” và “sến” rốt cuộc
cũng quay về thị hiếu và văn hóa thưởng thức của người nghe.
Nói một cách nôm na, khi người ta không thích, người ta sẽ không cảm
được, mà điều cốt lõi và quan trọng của thưởng thức nghệ thuật chính là
sự đồng cảm. Khán giả có thể vì không thấy mình trong những cái cao xa
khác, mới quay sang dành nhiều tình cảm cho dòng nhạc phù hợp và thân
thuộc với mình hơn.
Quốc Triung dù mang tính xây dựng nhưng khá nặng về quan điểm và gây nhiều tranh cãi
Người nghệ sỹ không phải vì không tìm được điểm chung với công chúng
lại quay ra dè bỉu, hạ bệ, phủ nhận và không coi trọng những gì thuộc về
số đông. Những đánh giá chủ quan ấy nói không ngoa sẽ làm xa cách hơn
tình cảm của khán giả đến với những tác phẩm khó nghe và cần nhiều thử
thách hơn - thứ vốn là đứa con tinh thần của những nghệ sỹ tiên phong
thể nghiệm và thị phần khán giả ít ỏi hơn.
Khó có thể nói, việc thưởng thức đó là bất thường bởi nên hiểu rằng,
công nghệ hay internet luôn khiến người ta có nhiều sự lựa chọn, thế
nhưng nhạc trữ tình hay nhạc “sến” vẫn nằm trong list được chọn lựa.
Theo ý kiến của một khán giả thì chính việc nghe các thể loại nhạc cao
xa để thể hiện đẳng cấp nhưng không hề yêu thích mới bất thường hơn việc
nghe một sản phẩm đồng cảm và đã được nhiều thế hệ yêu mến và công
nhận.
Lệ Quyên cũng là thế hệ kế tiếp thành công và được yêu mến với nhạc trữ tình
Âm nhạc muôn đời phải là sự đồng cảm và không áp đặt. Số ít khán giả
có thể xem thưởng thức âm nhạc là đẳng cấp, nhưng số đông vẫn tìm kiếm
sự sẻ chia. Không thể nói nhạc trữ tình hay nhạc “sến” là bình dân bởi
ngày ngày, tầng lớp trí thức, trong đó có cả những người trẻ đều thưởng
thức và chấp nhận nó như một dòng chảy quan trọng của nhạc Việt.